Trong tướng học cổ xưa, người ta tin rằng khuôn mặt của một người chính là biểu đồ vận mệnh của họ. Từ vận mệnh cả đời, vận mệnh trong một giai đoạn cho đến vận may hay rủi trong ngày hôm nay, tất cả đều có thể phản ánh qua khuôn mặt.
Ra ngoài nhìn mặt, đi ngủ soi lòng
Ngày xưa, các thầy tướng học không chỉ xem tướng cho người khác mà còn tự xem tướng của mình hàng ngày, để biết liệu mình sẽ gặp phải điều gì, lành hay dữ?
- “Ra ngoài nhìn mặt” nghĩa là mỗi sáng khi thức dậy, trước khi ra ngoài hoặc trước khi đi xa, người ta cần soi gương xem khuôn mặt mình trông như thế nào. Nếu khuôn mặt hiện ra vẻ vui tươi, sáng sủa thì có thể tự tin mà ra ngoài. Nhưng nếu khuôn mặt có vẻ u ám, tối tăm thì tốt nhất là nên hoãn kế hoạch, hoặc ra ngoài thì cần thận trọng hơn.
- “Đi ngủ soi lòng” nghĩa là trước khi đi ngủ, nằm trên giường cần tự hỏi lòng mình: Hôm nay mình đã làm gì? Điều gì là đúng? Điều gì là sai? Điều đúng thì không nên tự mãn, điều sai thì phải sớm hối lỗi và tìm cách sửa chữa. Đây cũng là quy tắc tu thân trong Nho gia. Tăng Tử từng nói: “Mỗi ngày tôi tự xét ba điều,” nhắc nhở chúng ta về sự tự suy ngẫm và kiểm điểm hàng ngày.
Trong quá khứ, tướng học không chỉ phổ biến trong dân gian mà còn có ảnh hưởng trong Đạo giáo, Phật giáo và cả Y học, được xem là một phần quan trọng của phương pháp chẩn đoán. Nhiều nhà trí thức, sĩ phu từ xưa đến nay cũng rất tinh thông tướng học, nổi tiếng nhất là Tăng Quốc Phiên – một đại thần thời cuối nhà Thanh, người nổi danh với khả năng xem tướng người.
Dù là Phật giáo, Đạo giáo hay Nho giáo, đều nhấn mạnh sự liên kết giữa trời và người, cũng như vai trò của việc tu tâm đối với vận mệnh. Câu “ra ngoài nhìn mặt, đi ngủ soi lòng” vừa là nguyên tắc của người học tướng số, vừa là cách bảo vệ bản thân.
Tổng hợp và biên soạn: Minh Tuệ