Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

PHONG THỦY LÀ GÌ?

PHONG THỦY LÀ GÌ?
Chúng ta đã nghe nói nhiều về Phong thủy, ở đâu người ta cũng dùng đến từ Phong thủy. Có lẽ Phong thủy đã trở thành một từ “thời thượng”, cái gì người ta cũng ghép chữ “Phong thủy” vào. Rất nhiều người chẳng hiểu phong thủy là gì những vẫn cứ dùng từ đó một cách vô thức – Ví dụ như đặt tên theo “Phong thủy”, “số điện thoại theo Phong thủy”, … Như vậy Phong thủy đã bị lạm dụng thành phong trào. Ngay người dùng cũng không hiểu nó là cái gì, đại loại cứ thấy thiên hạ xôn xao thì đem gán ghép vào cho nó cỏ vẻ học thuật, chứ đâu có biết rằng Phong thuỷ với số điện thoại chả có liên hệ gì với nhau cả…
Vậy “Phong thủy là gì?”

Trước hết, Phong thủy là một từ ghép của Phong là Gió và Thủy là Nước là hai yếu tố chính ảnh hưởng tới trường khí – môi trường sống của con người. Thuật Phong thủy là phương pháp nghiên cứu về môi trường sống của con người.
Để hiểu rõ hơn về Phong thủy, ta ngược lại thời gian về trước. Thời Tiên Tần, đã manh nha xuất hiện khái niệm xem Phong thủy, đó là thuật “Trạch Cư” – phép chọn nơi cư trú, còn gọi là thuật “Bốc Cư” – phép bói để chọn nơi cư trú và thuật “Tướng Trạch” – xem tướng nơi cư trú.
Nguyên lý của các phép “Tướng Trạch” là tìm nơi cư trú sao cho mưa thuận, gió hòa, giao thông thuận tiện, gần nguồn nước, đất đai mầu mỡ,
… Sau đó người ta khái quát các nguyên tắc thành “Địa Mạch” và sau này phát triển thành môn học “Tướng Địa”. Thời kỳ này cũng là thời kỳ khởi phát về các tư tưởng triết học và thuyết âm dương ngũ hành được phát triển và áp dụng rộng rãi.
Đến đời Hán, thuật Tướng Trạch được phát triển và hoàn thiện. Từ đây, thuật tướng trạch áp dụng lý luận “Kham Dư” tức lý luận thời gian và không gian đối ứng. Lúc này thuật “Trạch Cát” – chọn ngày được kết hợp với thuật Tướng Địa, yếu tố Thiên (thời gian) đã kết hợp với yếu tố Địa (không gian) để cho ra một học thuyết gọi là Thiên Địa Lý luận. Lý luận “Kham Dư” dựa trên sự kết hợp của thời gian và không gian, chuyên chiêm nghiệm về phương vị triều hướng và khởi đầu cho phái Lý Khí sau này. Ngoài ra, thuật xem hình tướng đất cổ xưa đã phát triển thêm các nguyên tắc lý luận theo thuyết âm dương ngũ hành và hình thành lý luận “Hình Pháp” chuyên bàn về hình thế bên ngoài, và khởi đầu cho phái Loan Đầu sau này.
Đến đời Tấn, người ta bắt đầu quan tâm đến không gian của vùng đất chôn người chết hơn. Tướng Trạch đời Tấn là Táng Thuật. Một sách kinh điển là Táng Kinh của Quách Phác (Quách Phác cổ bản Táng kinh) và bộ sách “Thanh Nang”.
Trải qua một thời gian dài, các môn lý luận đã được hoàn thiện và xuất hiện nhiều tông phái khác nhau. Các môn nghiên cứu đó người ta gọi chung là Địa lý – Lý luận về đất. Các đời trước chưa hề nhắc đến chữ Phong Thủy, chữ Phong Thủy được xuất hiện đầu tiên trong “Quách Phác cổ bản Táng kinh”. Trước hết, theo “Táng Kinh” nơi tốt nhất là nơi phải thừa hưởng được sinh khí (Táng giả thừa sinh khí dã). Vậy ta có thêm một khái niệm Khí.
Khí là một khái niệm vô hình, trừu tượng, không cân đong đo đếm được, chỉ có thể cảm nhận được. Khái niệm sơ khai nhất, khi vũ trụ hình thành, có 2 khí âm và khí dương hình thành và tạo ra vạn vật. Ta tạm hiểu khí là một thứ tạo nên sự sống và là môi trường để sự sống tồn tại. Khí vận động giữa trời đất và cũng vận động bên trong con người. Nơi thuận lợi nhất, có thể thừa được sinh khí nhiều nhất là nơi “Tụ khí”. Vậy làm thế nào để tìm ra được nơi “tụ khí”. Do khí là vô hình, ta chỉ có thể cảm nhận được nó thông qua các biểu hiện, để biết được khí phải thông qua Phong và Thủy, trong “Táng kinh” có viết:
Khí thừa Phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi Phong Thủy” (氣乘風則散,界水則止,行之使有止, 故謂之風水).
Tạm dịch: Khí nương theo gió thì tản mạn, gặp nước giới hạn thì dừng, người xưa làm cho (khí) tụ mà không tán, làm cho (khí) lưu thông mà có chỗ dừng, cho nên gọi là Phong Thủy.
Hoặc:
“Phong Thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng, tàng phong thứ chi”
(風水之法,得水為上法,藏風為次之)
Tạm dịch: phép Phong thủy được tụ thủy là tốt nhất, rồi đến được tàng phong. Được hiểu là nơi “tụ khí” phải là nơi “tàng phong tụ thủy”
Vậy thuật Phong Thủy chính là thuật để tìm ra nơi tụ Khí – tức là nơi “Tàng Phong – Tụ Thuỷ“. Hiểu rộng ra: Phong không chỉ là Gió mà còn là trạng thái thời tiết. Thủy không chỉ là nước mà còn là địa hình, địa thế. Phong và Thủy là đại diện của môi trường sống liên quan đến con người, đồng thời nó cũng chính là yếu tố Thiên và Địa tác động đến yếu tố Nhân trong mối quan hệ Thiên- Địa – Nhân

Leave a comment

0.0/5

Địa chỉ

27 Trường Chinh, Tân Thới Nhất,

Quận 12, HCM

0989224080

Newsletter

Tử Vi Sài Gòn © 2024. All Rights Reserved.

Cart0
Cart0
Cart0
Go to Top