Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tại sao có người tướng mạo lại không tương xứng với vận mệnh thực tế?

Tại sao có người tướng mạo lại không tương xứng với vận mệnh thực tế?

Xin chào mọi người, chào mừng đến với chuyên đề tướng mặt kỳ này. Hôm nay là phần giải đáp thắc mắc, hy vọng có thể làm sáng tỏ một số câu hỏi của các bạn. Một độc giả đã để lại câu hỏi rất đáng lưu ý, liên quan đến việc tại sao có người tướng mạo trông rất đẹp nhưng cuộc đời lại gặp nhiều khó khăn, trong khi người có tướng mạo bình thường lại thuận lợi hơn rất nhiều. Liệu những điều trong sách tướng có không đúng?

Câu hỏi này rất phổ biến, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu tìm hiểu về tướng mặt. Cốt lõi của sự nhầm lẫn nằm ở việc đánh đồng giữa “tướng mạo” và “dung mạo”.

Theo nghĩa rộng, “tướng mạo” trong tướng học bao gồm nhiều khía cạnh của việc quan sát và nhận biết con người. Còn “dung mạo” mà chúng ta thường nói đến chỉ là một yếu tố nhỏ thuộc phạm trù “hình mạo” trong tướng học.

Các đặc điểm như lông mày, mắt, mũi, môi, tai, tình trạng của trán, khuôn mặt, cằm, xương gò má, và da thịt… tất cả thuộc về “hình mạo”, một yếu tố rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong hệ thống tướng số, ngoài hình mạo còn có “thần” và “khí sắc” cũng rất quan trọng.

Thần và khí sắc

“Thần” đặc biệt là ánh mắt, là yếu tố quan trọng trong tướng học, thậm chí có thể được tách ra để phân tích riêng mà không phụ thuộc vào các yếu tố bề ngoài như kích thước, hình dáng của mắt. Vậy ánh mắt quan trọng thế nào? Có thể nói rằng:

Tướng học có câu “hỏi quý ở mắt”, bởi ánh mắt phản ánh thế giới nội tâm, suy nghĩ và cảm xúc của con người. Ánh mắt linh động, có hồn có thể cứu vớt những khuyết điểm của các bộ phận khác trên gương mặt. Ngược lại, ánh mắt đờ đẫn, vô thần sẽ kéo tướng mạo xuống, làm giảm đi phẩm chất tốt đẹp.

Khi quan sát ai đó, dù họ có ngoại hình thế nào, chỉ cần mắt họ có sự phân biệt rõ ràng giữa trắng và đen, linh động và có hồn, điều đó thường biểu hiện sự thông minh, quý khí. Người này thường có mục tiêu rõ ràng, giỏi nhận biết người khác, suy nghĩ lạc quan và tích cực, những phẩm chất rất đáng quý.

Ánh mắt sáng, linh hoạt và kiên định cũng thường biểu hiện sự quyết tâm mạnh mẽ, không mơ hồ trong tâm trí. Ngược lại, ánh mắt không có thần sẽ phản ánh sự thiếu động lực và thiếu quyết đoán đối với tương lai, cho dù tướng mạo có đẹp đến đâu thì cũng phần nào biểu hiện sự trắc trở trong vận thế hiện tại.

Trong tác phẩm “Ma Y thần tướng” liệt kê mười loại ánh mắt khác nhau:

  • Thần liếc ngang, thần không rõ, thần trôi nổi, thần u ám, thần mờ đục, thần hoảng sợ, thần mệt mỏi, thần say mê, thần uy nghiêm, và thần trầm tĩnh. Trong đó, tám loại đầu đều không tốt và có thể làm giảm cấp độ tổng thể của tướng mạo. Chỉ hai loại cuối cùng là biểu hiện của sự quý phái.

Về “khí sắc”, đây là kiến thức cao cấp hơn trong tướng học. Khí bên trong, sắc bên ngoài; khí là gốc, sắc là ngọn. Hai yếu tố này hợp lại phản ánh tinh hoa của ngũ tạng lục phủ.

Trong tướng mặt có bao gồm “Lục khí”:

  • Khí Thanh Long: Màu giống như sắc tím đỏ tươi, sáng như tơ tằm.
  • Khí Chu Tước: Màu như ánh chiều tà phản chiếu trên mặt nước.
  • Khí Câu Trần: Màu như gió đen cuốn mây.
  • Khí Huyền Vũ: Màu giống như sương mù buổi sáng sớm.
  • Khí Bạch Hổ.
  • Khí Đằng Xà: Màu giống như tro tàn.

Trong đó, khí Thanh Long là cát lợi (tốt lành), còn khí Câu Trầnkhí Huyền Vũ là không tốt nhất.

Về màu sắc, tướng mặt bao gồm các màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tím, và màu mờ đục. Mỗi vị trí trên khuôn mặt nếu xuất hiện các màu sắc khác nhau hoặc khi màu sắc toàn diện trên khuôn mặt thay đổi đều mang ý nghĩa riêng, và lý thuyết này khá phức tạp, không thân thiện lắm với người mới học (các từ ngữ trong sách cổ có thể làm người đọc lo sợ).

Vì vậy, điều quan trọng là quan sát tổng thể khí sắc của khuôn mặt. Nếu khí sắc kém, xuất hiện các màu xanh, xám, đen, vàng xám, hoặc đen vàng, điều này cho thấy vận khí của người đó đang gặp trở ngại, bế tắc.

Khí là yếu tố vận hành trong ngũ tạng lục phủ, dưỡng sinh cho thần, sắc, và hình mạo bên ngoài. Khi khí không tốt, thần sắc sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên sự thay đổi này thường khó nhận ra ngay. Nhưng nếu khí sắc và thần tình luôn u ám, tối tăm trong một thời gian dài, điều này dần dần sẽ làm thay đổi tướng mạo, dẫn đến việc mọi người có thể dễ dàng nhận thấy: “Tướng mạo của ai đó dường như đã thay đổi nhiều.”

Điều này giải thích phần lớn tiêu đề của bài viết:

Ví dụ, một người dù có trán đầy đặn, gò má cao và vững chắc, tai to và dày, tất cả đều là những yếu tố tướng mạo tốt, nhưng nếu ánh mắt vô hồn, u ám, hoặc khuôn mặt có khí sắc kém, thì vận thế thực tế của họ (đặc biệt là thời điểm hiện tại) cũng có thể không mấy thuận lợi.

Ngược lại, một người có tướng mạo bình thường, thậm chí có các khuyết điểm rõ ràng như mũi hở lỗ, dái tai nhỏ, nhưng nếu ánh mắt họ sáng rõ, kiên định và trong trẻo, khí sắc khuôn mặt mượt mà, tươi tắn, thì quý khí và vận may của người đó có thể được nâng lên, và thực tế người đó có thể đang trong vận tốt, gặp nhiều thuận lợi.

Lưu ý: Thần và khí sắc đều phản ánh vận thế từng giai đoạn, và chúng có thể thay đổi. Khi vận thế suy giảm hoặc khi vận thế thăng hoa, thần và khí sắc của con người cũng sẽ khác nhau.

Tướng về dáng điệu và trạng thái thường ngày

Trước đây, chúng ta đã bàn về các “yếu tố cứng” trong việc quan sát tướng mạo, nhưng để đánh giá toàn diện sự cao quý hay thấp hèn của một người, cần xem xét những khía cạnh chủ động và động thái hơn – chính là dáng điệu và trạng thái tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, không qua chỉnh sửa hay che đậy.

Dáng đi:

Trong các sách tướng học cổ đại, có so sánh dáng đi của con người với con thuyền đang di chuyển trên mặt nước. Một hành trình suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió và yên bình là điềm lành, còn nếu đi ngược dòng, lay động bất ổn thì ngược lại. Dáng đi của con người cũng tương tự:

Nếu khi đi lại, bước chân vững chắc, thăng bằng, không lắc lư hay chao đảo, đó là tướng của người quý phái. Ngược lại, nếu dáng đi xiêu vẹo, nghiêng ngả, hoặc tạo cảm giác “đầu nặng chân nhẹ” thì được coi là tướng phá cách, không tốt. Đây là cách đánh giá tổng quát về tướng đi.

Dáng ngồi:

Tướng học có câu: “Hành thì thuộc dương, tọa thì thuộc âm; dương chủ động, âm chủ tĩnh, tĩnh lặng bất động chính là đức của ngồi.” Câu này không chỉ đề cập đến thuộc tính “dương” và “âm” của đi và ngồi, mà còn cho thấy nguyên tắc đánh giá dáng ngồi của người xưa.

Dáng ngồi tốt phải thể hiện sự tĩnh lặng, yên ổn và bình thản, nhấn mạnh tính âm. Ngược lại, nếu ngồi xiêu vẹo, không yên ổn, hay có nhiều cử động nhỏ thì sẽ làm giảm đẳng cấp của mệnh số.

Khi nhắc đến dáng ngồi, ta cũng nên nói đến dáng đứng. Nếu một người đứng thẳng tự nhiên, không có ý thức chỉnh sửa nhưng vẫn giữ được sự thẳng lưng, không cong vẹo, thì đó là dấu hiệu của người quý phái.

Ngược lại, nếu đứng không thẳng, dáng lệch, chân đứng không vững hoặc dễ dàng bị mất thăng bằng, có thể do tâm trạng lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng, điều này cũng là một chi tiết nhỏ làm giảm sự sang trọng của vận mệnh.

(Vì vậy, chú ý đến tư thế hàng ngày và cố gắng sửa chữa những thói quen xấu là rất quan trọng. Theo tướng học, dáng điệu tốt thể hiện sự tôn trọng và quý phái. Dù không tin vào tướng số, tư thế tốt cũng sẽ làm tăng thêm khí chất và sức hấp dẫn cá nhân của bạn.)

Tướng về ăn uống

Sách tướng học có câu: “Khí huyết do ăn uống mà mạnh mẽ, tên tuổi gắn liền với sự tồn tại cũng nhờ ăn uống.” Ăn uống là cơ sở duy trì khí huyết và sự sống, thói quen và sở thích ăn uống cũng phản ánh phần nào tính cách của con người.

Thông thường, người ăn uống chậm rãi, không vội vàng, khi gắp thức ăn hay nhai nuốt đều điềm tĩnh, cử động miệng gọn gàng, được coi là có tướng ăn uống tốt, phần lớn là người có mệnh cách cao. Ngược lại, nếu ăn uống hấp tấp, gắp thức ăn không chắc, thường rơi vãi, thì tướng ăn này có thể làm giảm đi đẳng cấp của mệnh cách.

Về sở thích ăn uống, như đã đề cập trong các bài trước: những người thường xuyên (không tính việc thỉnh thoảng) phụ thuộc vào các món ăn kích thích như cay nóng, ngọt béo, dầu mỡ, hoặc hay ăn uống quá độ, thường có xu hướng nóng nảy, thiếu kiên nhẫn. Ngược lại, người ăn uống điều độ, thích các món ăn lành mạnh, ít khi ăn thực phẩm chế biến công nghiệp, thường có tính cách ôn hòa, điềm tĩnh, không hấp tấp.

Ngoài ra, tình trạng da mặt cũng rất quan trọng trong tướng học. Ví dụ, mũi nổi mụn dễ dẫn đến hao tài, học sinh bị nhiều mụn trứng cá cũng có thể gặp khó khăn trong việc học tập; nam giới có làn da sần sùi như da cam thường bất lợi cho vận mệnh hôn nhân, trong khi người có làn da mịn màng lại có tướng vượng thê (vợ may mắn).

Do đó, nếu da mặt không được tốt và bạn thường xuyên ăn đồ chiên rán, nhiều đường, nên cân nhắc việc kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn không lành mạnh và chú ý hơn đến vấn đề này:

  1. Da mặt có vấn đề thường báo hiệu tình trạng sức khỏe không tốt. Khi sức khỏe được cải thiện, khí sắc và chất lượng da cũng sẽ tốt hơn.
  2. Ăn uống điều độ và lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến tính cách, giúp giảm nóng nảy và tăng sự ôn hòa, từ đó nâng cao tầng lớp và đẳng cấp bản thân.

Tác giả: Lôi Môn Dịch

Minh Tuệ biên dịch

Leave a comment