Thiên Cơ thất Sát đồng cung dã thiện tam phân
Thái Âm Hỏa linh đồng vị phản thành thập ác
Sách Đẩu Số Toàn Thư, một trong những cuốn sách kinh điển về Tử vi. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi nữa thì trong sách đôi khi cũng có những hạt “sạn”.
Trong đó, phần lớn là lỗi ấn bản, do quá trình in sao, chế khắc nên đã làm sai lệch đi vài chữ. Nhưng vốn Hán tự cô đọng, chỉ cần một vài chữ đã đủ để thiên hạ đau đầu.
Trước đây, khi nghiên cứu Đẩu Số Toàn Thư, bản thân tôi cũng gặp phải những vấn đề nan giải, chủ yếu là về chữ nghĩa, cách cục.
Thấy có đôi chỗ dường gặp phải vấn đề sai sót lớn, như phần viết về Phá quân “Duy Thiên lương khả chế kì ác, thiên lộc khả giải kì cuồng” (chỉ có Thiên lương có thể chế được tính ác của Phá quân, Thiên lộc giải được tính cuồng của Phá Quân), hoặc như câu “Thiên Cơ -Thất Sát đồng cung dã thiện tam phân..” …
Phá quân không thể gặp Thiên Lương, cũng như Thiên cơ không thể gặp Thất sát!!! Vậy chẳng lẽ người viết ra những lời này lại không thuộc … an sao?
Thật là một điều vô lý. Rồi khi nghiên cứu về Tứ hóa, Đẩu số toàn thư viết “Luận sinh niên can, Hiệp hỏa nhi hóa” (luận theo can năm sinh – nhờ vào Hỏa mà hóa) .. tưởng như nói đến nguồn cơn của Tứ hóa, nhưng không hiểu được ý tứ, càng thầy mờ mịt…
Đến gần đây, khi đọc các tác phẩm của Vương Đình Chi đăng trên Chuyên san Minh Báo của Hương Cảng (chuyên san chính của Tử vi đẩu số học hội – do Vương tiên sinh và các đệ tử sáng lập), thấy Vương tiên sinh có một số phần chú giải về Đẩu số toàn thư, xem ra cũng rất thuyết phục.
Vương Đình Chi, là người rất đề cao và nghiên cứu rất kỹ Đẩu Số Toàn Thư, bản thân ông trong quan điểm Tử vi, vẫn phần lớn dựa vào đây để làm chuẩn mực. Bởi vậy, ông đã có rất nhiều phân tích về câu chữ của Đẩu Số Toàn Thư.
Xin trích nêu 2 mục:
1. Về câu “Thiên cơ Thất sát đồng cung dã thiện tam phân – Thái Âm Hỏa linh đồng vị phản thành thập ác”
Ta cũng biết rằng Thiên Cơ với Thất Sát không bao giờ gặp nhau, tức là không bao giờ “đồng cung” được” !!
Vậy thì nghĩa của câu này thế nào?? Lại có bản Đẩu số toàn thư, Đẩu số toàn tập.. chép là “Thiên Cơ – Tứ Sát đồng cung…” dẫn đến nghi vấn rất nhiều năm.
Theo Vương tiên sinh, trong câu trên, chữ THẤT – vốn viết là “匹” (Âm Hán việt đọc là THẤT)
Nghĩa của chữ này là “sóng đôi”.
– Nó có tự dạng rất giống chữ Tứ “四” (chỉ khác 1 nét đứng phải)
– Nó có âm Bắc kinh gần giống chữu THẤT “七” (là số 7).
Do vậy mới phát sinh ra 2 trường phái :
– Một trường phái thì chép theo âm dẫn đến nhầm lẫn “匹” thành “七”
– Một trường phái thì căn cứ vào tự dạng mà nhầm lẫn “匹” thành “四”
Nếu vậy, thì nguyên nghĩa của câu đó là :
Thiên cơ thất Sát đồng cung, dã thiện tam phân
Thái Âm Hỏa Linh đồng vị, phản thành thập ác
(Thiên cơ “sóng đôi” cùng sát tinh đồng cung, cũng (còn được) thiện ba phần – (Nhưng) Thái Âm đứng cùng Hỏa linh ngược lại là ác cả mười phần)
Thiên cơ – vốn là “thiện tinh” chủ về cơ biến, khéo léo. Khi gặp ác sát tinh, thì tuy tính “thiện” có giảm đi rất nhiều, nhưng không đến nỗi hỏng hẳn, vẫn còn vớt vát được vài phần. Nhưng Thái Âm – chủ điền tài mà gặp Hỏa Linh thì mất hết.
2. Về chữ “Hiệp Hỏa nhi hóa” :
Rất nhiều nhà nghiên cứu tử vi tưởng rằng đây là nguồn cơn của Tứ Hóa, để rồi tốn không biết bao nhiêu thời gian để truy tìm, giải thích. Thậm chí, một số “tử vi gia” hàng chợ đã viết cả sách để công bố “công trình nghiên cứu” về nguồn gốc Tứ hóa, dựa vào câu này…
Theo Vương tiên sinh giải nghĩa, thì vốn dĩ chữ :
“挾火而化– Hiệp hỏa nhi hóa” là lỗi ấn hành, chữ đúng của nó phải là
“挨次而化– Ai thứ nhi hóa” vì tự dạng rất giống nhau, nên quá trình in sao, chế bản đã bị nhầm lẫn.
Hiệp hỏa nhi hóa – Cậy vào hỏa mà hóa
Ai thứ nhi Hóa – lần lượt theo thứ tự mà hóa
Đẩu số toàn thư, bản Cẩm chướng ấn hành viết : An Lộc – Quyền – Khoa – Kỵ tứ tinh biến hóa quyết, Luận sinh niên can, Ai thứ nhi hóa – Chỉ là nói rằng “Cách an Lộc – Quyền – Khoa – Kỵ, luận theo Can năm sinh, theo thứ tự mà hóa”. Thứ tự ở đây là chỉ thứ tự lần lượt Lộc – Quyền – Khoa – Kỵ. Cũng rất minh bạch
Các cụ nói “Tam sao thất bản” – sao chép đến lần thứ 3 thì mất gốc! Chuyện in ấn sai lầm chữ nghĩa là không tránh khỏi. Nhưng chữ nghĩa cổ xưa vốn cô đọng, tiền nhân không cẩn trọng 1 chút, là để khổ cho hậu học về sau.
bài thầy: Nguyễn Trọng Tuệ